Câu ghềnh

dungnhi : Ngồi lục lại ” cơm nguội”. Đây là một trong những bài viết đầu tiên cho diễn đàn của CLB Đà Nẵng – Hội An thời còn đang trú ngụ trên 4so9. Kỹ thuật trong bài này chủ yếu là thể loại ” câu nghe” rất đặc thù của các cần thủ Đà Nẵng. Hiện nay một số cần thủ Đà Nẵng của CLB Đà Nẵng – Hội An & Kè Tiên Sa cũng đã phát triển tương đối hoàn thiện kỹ thuật câu ISO chưa được đề cập đến ở đây.

CÂU GHỀNH

Nói đến Câu ghềnh, chắc hẳn các bạn cũng đã hình dung ra phần nào một loại hình câu, cũng rất phổ biến trong thú vui câu kéo. Trong bài viết này, tác giả mong muốn chia sẻ với bạn đọc một chút kinh nghiệm cùng một chút cảm hứng tản mạn về loại hình câu vốn chứa đựng những nội dung rất phong phú đối với các cần thủ.

Đất nước ta, bờ biển trải dài mấy ngàn km từ bắc chí nam, ghềnh đá là nơi gặp gỡ của nước và non, nơi những dãy núi đâm ngang ra biển, nơi biển cả bao quanh những hòn đảo và bán đảo. Với những ai không đi câu thì ghềnh là những nơi có phong cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, thể hiện sự hoành tráng và phóng túng của tạo hoá, còn đối với những cần thủ thì không những chỉ chung một cảm nhận như vậy mà còn là những nơi chỉ nhìn thấy thôi cũng gợi nên một thứ cảm xúc rất rất riêng đầy mong muốn khám phá.

Thi sĩ Xuân Diệu cũng đã có những câu thơ rất hay thế này:

“ Để những khi bọt tung trắng xoá

Và gió về bay toả  nơi nơi”

Chắc hẳn hai câu thơ này không thể mô tả gì khác ngoài những nghềnh đá và biển cả.

ImageGhềnh đá Sơn Trà – Đà nẵng

Với Thi sĩ và những người chiêm ngưỡng thiên nhiên thì những điều ấn tượng nhất là sự hoành tráng và phóng túng của tạo hoá thăng hoa trong lúc biển cả thể hiện sức mạnh của mình, nhưng đối với các cần thủ câu nghềnh thì lại khác, chắc hẳn trong họ không ai có thể mê mẩn với “ Bọt tung trắng xoá ““ Gió về bay toả khắp nơi nơi” được mà họ mê mẩn với ghềnh khi trời yên biển lặng, sóng nước hiền hoà, khi màu nước mơ màng với những loại phù du rêu tảo dập dềnh theo con triều lên xuống, chỉ vì đơn giản là không có ai đi nghềnh để câu khi con sóng tung trắng xoá bao giờ.

Image

Dập dềnh con nước con

Trong các loại hình câu, câu ghềnh là một loại hình câu có lẽ mang nhiều đặc trưng của nghề câu kéo, nhất là với những cần thủ câu cho vui đời ( Xin tự nhận xét võ đoán một tý như vậy). Đó là sự gần gũi với thiên nhiên trong lành yên tĩnh mà phóng khoáng, là sự dẻo dai dũng cảm của môn thể thao leo núi, là sự kiên nhẫn khéo léo của nghề câu…

Những lúc ra ghềnh, các cần thủ câu cho vui đời muốn tìm cho mình một chỗ có thể trút bỏ những lo toan, tính toán, bận rộn, phiền não… của một cuộc sống ngày càng tăng tốc mà theo đó mỗi ngày mỗi tuần qua đi đã tích trữ quá nhiều Stress. Một “chỗ không ai ngồi”, bên trời nước trong một buổi sớm mai khi cái sinh khí của một ngày đang lên bao trùm biển cả, khi đêm xuống róc rách con sóng vỗ bên chân đá với những âm thanh của biển, của gió, của những con thuyền đánh cá phành phạch vào ra, của ánh đèn thành phố xa xa, của ánh trăng lóng lánh giải những vệt vàng trên biển. Chắc hẳn những phiền muộn nếu có cũng sẽ tiêu tan.

ImageCái chỗ không ai ngồi

Để ra được cái “chỗ không ai ngồi” ấy, cần thủ phải trải qua thử thách, lúc thì lội bộ qua các bãi đá, vượt qua các bờ vách hiểm trở chênh vênh hoặc lội qua những bãi đá ngầm. Đó là lúc để rèn luyện sự dẻo dai, dũng cảm và khéo léo, vì  nếu không cẩn thận hoặc một sơ sẩy sẽ mang lại một cú trượt chân trên sườn dốc hoặc tụt xuống lạch nước với những lưỡi hàu sắc bén sẵn sàng cứa đứt thịt da. Mà cũng phải ra đến những chỗ như thế mới có thể có được những chú cá như ý, cá lớn thường sống và kiếm mồi ở những chỗ nước có đủ chiều sâu, môi trường phong phú và ít bị con người đánh động.

Cũng là phù hợp với triết lý muốn có thành quả phải đổ mồ hôi.

ImageVách đá

ImageBãi ngầm

Đi câu ghềnh, chọn được con nước câu và vị trí câu đã đảm bảo trên 50% thắng lợi. Chỗ ngồi phải đủ diện tích và địa thế để “chiến đấu “ lâu dài suốt vài tiếng đồng hồ, cảnh trí đẹp và quan trọng hơn là phải là nơi trú ngụ hoặc lui tới của mấy chú ngư. Thông thường là những chỗ tụ nước có những lạch đá ngầm là nơi sinh sống của hàu biển, rêu tảo và những sinh vật nhỏ khác, địa hình lòng biển cảnh phức tạp hiểm trở thì cá càng nhiều.

Cũng chính vì thế mà sinh ra một nỗi khổ khác của những cần thủ câu ghềnh, đó là nạn mắc chì và lưỡi. Những bờ đá bám đầy vỏ hàu, những hốc đá sắc cạnh hoặc những dải san hô ngầm rất nhạy với chì, lưỡi và cước, chỉ một thoáng phất phơ là chì lưỡi và cước dính chặt vào chúng và trong những trường hợp như thế đa phần là phải dùng giải pháp kéo đứt để bắt đầu bằng một đoạn chì lưỡi khác.

Image

Cỗ máy nhai chì và lưỡi.

Như vậy, để chuẩn bị cho một cuộc câu ghềnh, cần thủ phải chuẩn bị hành trang đầy đủ nhưng gọn nhẹ và an toàn bao gồm : đồ câu gồm các loại chì lưỡi cước phù hợp; đèn pin cho những cuộc câu đêm hoặc lúc trở về khi trời tối ; áo mưa tiện lợi phòng những cơn mưa rào ập đến bất chợt trên biển … , tất cả được cho vào một chiếc ba lô hoặc túi xác du lịch để đeo lưng.

Cần câu dùng đọt lớn hay mảnh tuỳ theo loại cá, chiều dài phù hợp trong vòng 4m đến 5m, nếu ngắn sẽ khó lấy cá vì vướng đá , nếu dài quá sẽ vướng víu khi thao tác móc dây lưỡi và mồi.

Cá câu ở ghềnh là các loại thông thường : Mú; Hồng ; Hanh ; Tò hỏ ; Saky, dò , dìa  … vì vậy mồi câu mang theo thường nằm trong các loại tôm sống, cá nục, cua lột , bột mì…, nếu tôm sống thì cần có một cái giỏ (hoặc gô inox) để rộng cho tôm sống suốt buổi câu.

Để chống lại việc mất chì lưỡi do đá, có thế dùng nhiều cách, cách dùng phao như 4so9 đã giới thiệu cũng là một cách hiệu quả. Nếu không câu phao hoặc câu đêm thì phải dùng chì nhỏ để miếng mồi vừa đủ bồng bềnh trong nước mà không vướng đá, tuỳ vào con nước và độ gió có thể dùng lượng chì khác nhau, nước càng yên chì chỉ cần nhẹ, có khi chỉ cần một miếng chì kẹp là đủ, hoặc cũng có thể dùng một số mẹo vặt khác.

ImageCác loại chì

ImageChì bi

ImageChì kẹp

Buông cần, thu sợi dây vừa đủ căng để nhất cử nhất động của con cá khi ăn mồi, cần thủ đều có thể cảm được. Từng loại cá, từng cách ăn mồi, từng cách cương nhu để chinh phục chú cá giữa bãi đá ngầm cũng là một thử thách cần chinh phục. Đây phải nói là giai đoạn chứa đựng nhiều nhất những tinh tuý và là  “Chất gây nghiện” của câu ghềnh, giữa trời mây nước non, “thiền gia” ngồi đợi những chú cá bí ẩn, chiếc cần thư thái trên tay, tay khác cầm sợi cước. Từ lúc con cá chạm mồi đã  phải xác định là cá gì để bắt đầu đối phó. Cá Hanh có cú mổ mồi nhè nhẹ, tha mồi đi từ tốn trước khi bị giật xóc lưỡi vùng chạy, Cá Hồng và Cá Mú ngay từ khi đớp mồi là đã bắt đầu đưa cần thủ vào cuộc co kéo, Cá Chình từ từ nuốt mồi và rút xuống hang…, mỗi loài đều có những cách đối phó khác nhau.

Image

Lên bờ

ImageCác loại cá ghềnh

Đi câu ghềnh theo Tôi chỉ cần đem theo hai cần và hai ba loại mồi là đủ, nếu nhiều cần quá sẽ không quản lý nổi, gặp khủng long có khi lôi cần đi mất dạng. Khi thả mồi sẽ thử mấy loại một lúc, cá ăn mồi nào sẽ dùng mồi ấy để câu.

Cá ở nghềnh thông thường đều là những loại cá có chất lượng thực phẩm rất tốt, không ra khơi vào lộng, không mất quá nhiều thời gian và chi phí, Bạn cũng có thể có được một chuyến câu thú vị, giải tỏa Stress, mệt nhọc và có chiến lợi phẩm để chiêu đãi gia đình và bè bạn trong những ngày nghỉ cuối tuần.   

Đà Nẵng, tháng 5 năm 2007.

2 thoughts on “Câu ghềnh

  1. Cho e hỏi nếu câu ghềnh ở đà nẵng thì mình câu ở đâu là hợp lý ạ.Tại vì e cũng có đi vài chuyến mà chỉ được vài con cá màu thôi ạ. Và cũng cho e xin vài ý kiến mồi câu với ạ. Cảm ơn nhiều ạ

Leave a comment